Trẻ bị viêm lợi sưng đỏ nên ăn gì để nhanh khỏi?

10-12-2024 09:37:13

Viêm lợi ở trẻ em rất phổ biến, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và gây biến chứng tổn thương răng vĩnh viễn.

Viêm lợi là tình trạng trẻ bị nhiễm trùng phần nướu của răng, còn các mô khác trong hệ thống nha chu như xương ổ răng, dây chằng nha chu, cement gốc răng thì không bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây viêm lợi ở trẻ

Bệnh viêm nướu ở trẻ em xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là vệ sinh răng miệng không sạch sẽ. Bởi không vệ sinh răng miệng sạch sẽ khiến vi khuẩn, thức ăn thừa tích tụ, lâu ngày tạo thành mảng bám. Các mảng bám có chứa vi khuẩn bám chắc bề mặt răng và nướu sẽ sản sinh độc tố gây kích ứng và làm hỏng nướu xung quanh răng của trẻ.

Lợi trẻ bị sưng đỏ khi mọc răng là tình trạng có tính chất tạm thời, thường gặp ở giai đoạn trẻ mọc răng sữa vào khoảng 6 tháng tuổi. Điều này là do khi mầm răng nhú lên sẽ tạo áp lực lên mô nướu, khiến nướu bị sưng và đỏ.

Ngoài ra, có thể viêm lợi sưng đỏ do tổn thương bởi tác động như va đập, nhai thức ăn cứng, tật cắn móng tay… sẽ làm nướu bị sưng đỏ và đôi khi gây đau nhức.

Nhiễm khuẩn Herpes cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm lợi. Thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần, sau đó xuất hiện mụn nước ở vùng má, lưỡi, mô lợi khiến trẻ bị viêm lợi loét miệng gây đau nhức, khó nuốt, ăn uống kém…

Trẻ bị viêm lợi sưng đỏ nên ăn gì để nhanh khỏi?- Ảnh 2.

Viêm lợi là tình trạng trẻ bị nhiễm trùng phần nướu của răng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm lợi

Đa phần viêm lợi ở trẻ em sẽ có các biểu hiện chung như:

  • Trẻ bị sưng phồng nướu răng và rất dễ chảy máu khi đánh răng.
  • Lợi có màu sắc nhợt nhạt hoặc đậm màu, không được tươi tắn.
  • Nướu xuất hiện các mảng hoặc đốm trắng bất thường.
  • Trẻ bị viêm nướu sẽ bị hôi miệng do lợi sưng có mủ.
  • Trong má và lợi có dấu hiệu lở loét.
  • Trẻ bị sưng lợi chân răng, tăng nguy cơ tụt lợi gây lung lay răng.

Bệnh lý viêm lợi ở trẻ nhỏ được chia làm hai giai đoạn

Giai đoạn đầu thì lợi của trẻ sẽ bị sưng đỏ dễ chảy máu, nhất là khi trẻ đánh răng. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách ngay từ giai đoạn đầu, tình trạng này có thể được chữa khỏi nhanh chóng.

Giai đoạn hai trẻ bị viêm lợi sưng đỏ, chảy máu, đau nhức, sưng má và hơi thở có mùi. Nếu không loại bỏ mảng bám, viêm lợi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sâu răng, viêm tủy và viêm quanh cuống răng.

Cần làm gì khi trẻ bị viêm lợi?

Khi trẻ bị viêm lợi thì cha mẹ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ, chải răng, súc miệng bằng nước muối tại nhà 2 lần/ngày. Nước muối sẽ giúp làm dịu, giảm tình trạng nhiễm khuẩn và thúc đẩy quá trình chữa lành nướu.

Nếu thấy lo lắng hoặc tình trạng viêm lợi ở trẻ trở nên nghiêm trọng thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và được tư vấn và điều trị.

Để cải thiện tình trạng viêm lợi do nhiễm trùng, trẻ có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm… Lưu ý phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe của trẻ.

Khi trẻ bị viêm lợi sưng đỏ nên ăn gì để nhanh khỏi là những băn khoăn của nhiều cha mẹ. Thực tế một chế độ ăn uống lành mạnh giúp trẻ nhận được các dưỡng chất phù hợp để hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp thúc đẩy quá trình hồi phục viêm nướu. Theo đó khi trẻ bị bệnh viêm lợi cần cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, cá hồi hoặc các loại cá béo khác (cá trích, cá thu…), nước hầm xương, thịt gà, bông cải xanh, trà xanh…

Tránh thức ăn cứng, thức ăn nhiều gia vị hoặc có nhiều đường, vì có thể làm tình trạng viêm nặng hơn, gây đau đớn và kích ứng nướu.

Để ngăn ngừa bệnh viêm lợi ở trẻ em tái phát, cha mẹ hãy lưu ý một số điều sau:

Hướng dẫn trẻ đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt sau khi ăn và trước khi đi ngủ để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn. Hướng dẫn trẻ dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám.

Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn có nhiều đường và các loại thực phẩm gây mảng bám. Thay vào đó bổ sung rau xanh và trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức khỏe của nướu.

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ những vật dụng mà trẻ hay cho vào miệng, tránh vi khuẩn xâm nhập gây viêm lợi. Đưa trẻ đi khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề răng miệng.

Theo Sức khỏe và đời sống

TIN CÙNG THỂ LOẠI