04-07-2025 08:54:24
Trầm hương thực chất là một phần của cây Dó. Khi thân cây Dó bị tổn thương cây sẽ tiết ra một chất mủ đặc biệt, kết hợp với các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu, sẽ tạo thành một lớp dầu tích tụ theo thời gian và hình thành trầm hương.
Theo các nghiên cứu hiện đại, thành phần hóa học của trầm hương gồm có tinh dầu và nhựa. Trầm hương còn chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như dẫn xuất 2-(2-phenylethyl)-4 H -chromen-4-one và sesquiterpene, terpenoid, flavonoid… Trong tinh dầu trầm hương, các thành phần chính thường gặp là benzyl acetate, methoxybenzyl acetone, và terpene alcohol.
Bên cạnh đó, khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng tinh dầu trầm hương có tác dụng chữa lành các vết thương tinh thần, điều hòa tần số điện của não, an thần, giảm căng thẳng, lo lắng, tăng khả năng ghi nhớ và tập trung.
Ngoài ra, trầm hương cũng được chứng minh là có tác dụng giảm đau, kháng viêm, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa sự tích tụ khí trong đường tiêu hóa, trị đau dạ dày, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư vú, cải thiện sức khỏe làn da, điều hòa kinh nguyệt, trị ho, hen khí phế quản, long đờm, ngạt mũi, giảm buồn nôn, nôn mửa, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị nam giới suy giảm chức năng sinh lý…
Theo Đông y, trầm hương có vị cay, đắng, tính ấm, đi vào các kinh tỳ, vị, thận, có tác dụng giảm đau, giáng khí nghịch, ôn trung, kiện tỳ vị, tráng nguyên dương, làm ấm thận. Trầm hương thường được sử dụng trong điều trị các chứng hen suyễn, khí nghịch, tinh lạnh ở nam giới, tiêu chảy, thận hư, nôn mửa, bí tiểu tiện…
2.1 Xông trầm hương
Đây là cách dùng trầm hương rất truyền thống, được sử dụng lâu đời. Có thể dùng nụ trầm, trầm miếng đốt trên lò gốm chuyên dụng hoặc lò xông điện vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng sớm.
Xông trầm là cách tự nhiên giúp thư giãn, dễ ngủ, giảm stress, đồng thời rất hữu ích trong việc trừ tà khí, thanh lọc không gian sống. Cần lưu ý không nên xông trầm trong không gian quá kín như phòng ngủ nhỏ, phòng không có cửa sổ và không nên hít trực tiếp quá nhiều, chỉ nên để hương thơm thoang thoảng giúp tâm trí thư thái mà không gây quá tải cho khứu giác và hệ hô hấp.
2.2 Đeo đồ trang sức bằng trầm hương
Nhiều người có thói quen đeo đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ bằng trầm hương mà không biết rằng thói quen này lại mang lại lợi ích với sức khỏe.
Khác với các loại trang sức thông thường, đeo trầm hương sẽ tạo hiệu ứng thư giãn thông qua khứu giác, giúp ổn định cảm xúc, ổn định nhịp tim, giảm huyết áp nhẹ, rất thích hợp với người già, người dễ hồi hộp.
2.3 Uống trà trầm hương
Cách thực hiện: Dùng bột trầm loại tốt (loại dùng làm thuốc, không lẫn tạp chất) hòa với nước ấm, mỗi lần uống 0,5-1g.
Trà trầm hương là thức uống có hương vị thơm, lại có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, thích hợp với người tiêu hóa kém, đau dạ dày do lạnh. Đồng thời thức uống này cũng giúp ổn định tâm trạng, giảm bồn chồn và ngủ sâu hơn.
2.4 Ngậm trầm hương
Cách thực hiện: Cạo một ít vụn trầm tốt, ngậm dưới lưỡi.
Trầm hương ngậm dưới lưỡi là phương pháp rất độc đáo làm ấm ngực, tiêu đờm nhẹ, an thần đồng thời làm trong sạch hơi thở, trị hôi miệng rất hiệu quả.
2.5 Rượu trầm hương
Dùng trầm hương dạng bột hoặc vụn ngâm trong rượu gạo ngon sẽ cho ra một loại rượu thơm dịu và ấm. Rượu trầm hương có tác dụng hành khí, bổ dương, an thần, ôn trung, rất thích hợp với người khí huyết lưu thông kém, hay đau lưng, mỏi gối, nam giới suy giảm chức năng sinh lý, người lớn tuổi hay lo âu, hồi hộp, người bụng đầy trướng do khí trệ, đau bụng do lạnh, hỗ trợ điều trị cảm lạnh…
Cần lưu ý chỉ nên uống 10-15ml rượu trầm hương một lần, mỗi ngày uống tối đa 2 lần, không nên dùng quá 30ml rượu/ngày, không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, những người mắc các bệnh lý cần kiêng rượu.
2.6 Trầm hương kết hợp với các vị thuốc Đông y khác
Trầm hương kết hợp cùng bạch đậu khấu: Có tác dụng ôn trung, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy.
Trầm hương kết hợp cùng nhục quế, phá cố chỉ: Có tác dụng ôn thận, bổ dương, lưu thông khí, rất tốt cho người mệt mỏi, thận dương hư.
Trầm hương kết hợp cùng đinh hương, mộc hương, hương phụ: Có tác dụng giảm đau bụng, đau bụng kinh, lưu thông khí huyết.
Trầm hương kết hợp cùng trắc bách diệp: Có tác dụng điều trị hen suyễn, khó thở.
Trầm hương kết hợp cùng nhân sâm, ô dược, hạt cau: Có tác dụng cân bằng thần kinh, giảm lo âu, giúp ổn định cảm xúc, dễ ngủ.
Theo Sức Khỏe và Đời Sống